Phong trào nuôi gà đồi phát triển đầu tiên tại Bắc Giang, sau nhờ tính hiệu quả kinh tế, hiện tại đã lan rộng ra nhiều tỉnh khác như: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh… Đặc biệt, tại tỉnh Bắc Giang, riêng huyện Yên Thế, tổng đàn đạt trên 4,3 triệu con và cũng trở thành huyện có số lượng đàn gia cầm nhiều nhất cả nước. Số trang trại quy mô từ 2.000 con trở lên đạt hơn 4.000 trang trại đã hình thành thương hiệu “gà đồi Yên Thế”.
Yên Bái cũng có nhiều lợi thế để phát triển phương pháp chăn nuôi mới này dựa trên cách làm cũ: đất rộng, lao động nhiều, giao thông đi lại thuận lợi, các sản phẩm nông nghiệp như ngô, thóc, sắn có thể tận dụng để phối trộn thức ăn nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, những loại gà “chạy bộ”, gà “lấm chân” ngày càng được ưa chuộng do thời gian nuôi dài, có chất lượng thịt dai, thơm ngon. Phát triển chăn nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học sẽ phát huy tốt các nguồn lực và tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng thịt ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có thể giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Năm 2013, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái xây dựng Đề tài khoa học “Ứng dụng Quy trình sản xuất chăn nuôi gà an toàn sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn đồi tại thành phố Yên Bái”.
Vừa xuất bán 5.000 con gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, bà Nguyễn Thị Thu ở phường Nam Cường (thành phố Yên Bái) là hộ duy nhất thực hiện Đề tài này cho biết: “Trang trại của tôi có diện tích 4ha, diện tích bãi chăn thả 5.000m2, có cây xanh, bóng mát. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống vật nuôi, nhà tôi sử dụng giống gà ri lai có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch của Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ (Hải Phòng), đẹp mã, cho chất lượng thịt thơm ngon”.
Về thức ăn cho gà hầu như không có gì khác biệt so với chăn nuôi thông thường, sử dụng cám hỗn hợp theo từng giai đoạn phát triển của đàn gà: giai đoạn từ 0 – 4 tuần tuổi cho ăn tự do, giai đoạn từ 5 tuần tuổi trở lên điều chỉnh lượng cám theo nhu cầu của gà, thả gà ra vườn đồi kết hợp cho ăn thêm rau xanh, chuối. Về chuồng trại, có thể giảm được 80% số vốn đầu tư so với phương pháp nuôi công nghiệp và các nông hộ hoàn toàn có thể tận dụng các vật liệu tranh tre, nứa, lá để làm chuồng và diện tích vườn đồi.
Sau 4 tháng nuôi, tỷ lệ sống của gà đạt 99%; trọng lượng bình quân khi xuất bán trung bình đạt 2kg; nuôi 5.000 con gà sẽ cho thu 600 triệu đồng trừ chi phí con giống, cám, thuốc thú y, điện nước, công lao động, lãi khoảng 100 triệu đồng và trung bình lãi 20.000 đồng/con gà.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Yên Bái cho biết: “Chăn nuôi theo hình thức này phù hợp với mọi hộ nông dân, vốn đầu tư không lớn. Nếu không áp dụng được quy mô lớn hoàn toàn có thể bắt đầu từ vài trăm cho đến 1.000 con. Chỉ cần làm tốt khâu tuyển chọn con giống, phòng bệnh thì nuôi gà sẽ cho thu nhập tốt”.
Từ thành công của Đề tài này, đã có nhiều hộ nông dân tại các địa phương khác đến học tập và làm theo. Tuy nhiên, để tận dụng hết tiềm năng, tỉnh cần có những chính sách đặc thù, ưu đãi trong sản xuất giống gia cầm tại chỗ, nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh nhằm phát triển mạnh nghề chăn nuôi gia cầm tập trung theo hướng hàng hóa chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập của nông dân.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.